29/06/2022 - 02:33 PM - 234 lượt xem
5 yếu tố quan trọng cần tính đến khi thiết kế nội thất nhà liền kề
Thiết kế đẹp và tiện dụng thôi chưa đủ. Do những điểm đặc thù về kiến trúc, phương hướng cần tính toán để thiết kế nội thất nhà liền kề đảm bảo không gian sống thoải mái và an toàn nhất cho gia chủ.
Đừng quên thiết kế lưu thông không khí trong nhà liền kề
Không khí được lưu thông sẽ giúp cho căn nhà thoáng sạch, gia chủ khoẻ mạnh. Không những vậy, giải pháp thông khí tốt sẽ giúp tiết kiệm điện vận hành các thiết bị làm mát trong gia đình.
Chính vì vậy cần tính tới đường thông giữa các tầng để không khí lưu thông. Giải pháp phổ biến là sử dụng cầu thang như đường thông khí, theo đó không khí có thể vào từ các cửa, ô thoáng, chạy qua căn phòng theo cầu thang đi lên và thoát ra ngoài qua đường nóc nhà.
Lưu thông không khí khi thiết kế nhà liền kề
Lựa chọn cách bố trí không gian mở với các khu vực chức năng chung như phòng khách, bàn ăn cho nhà thoáng.
Nhà bếp sử dụng cửa kính lùa vì gia chủ muốn ngăn mùi khi nấu nướng
Một số gia chủ đã lựa chọn phương pháp sử dụng vách ngăn kính cho phòng bếp để ngăn mùi khi nấu, tuy nhiên trong phòng bếp mỗi gia đình hầu như đều sử dụng hút mùi do vậy có thể giảm đáng kể mùi thức ăn khi nấu nướng, vách kính cũng làm tăng thêm chi phí do vậy cũng không thực sự cần thiết nếu bạn đang muốn tiết kiệm chi phí.
Ánh sáng tự nhiên cho các nhà liền kề
Cũng giống như không khí, ánh sáng tự nhiên tốt cho sức khoẻ. Không ai muốn phải sống trong một ngôi nhà ống mà cả ngày lẫn đêm, hễ tắt điện là tối thui, do vậy hãy tận dụng tối đa nguồn sáng nếu có thể.
Ánh sáng tự nhiên trong các nhà liền kề
Ngoài ra nếu phòng quá sáng mà không có cách nào ngăn bớt lại cũng không tốt, nhất là với các phòng ở mặt ngoài nhà và ở tầng cao hơn. Gia chủ cần tính đến phương án điều chỉnh lượng ánh sáng vào phòng ngay từ khâu thiết kế để tránh tốn kém cho việc lắp đặt thiết bị sau khi công trình hoàn thành. Sử dụng rèm cửa hai lớp là ý tưởng vừa đẹp vừa tiện dụng.
Giữ hoà khí với hàng xóm liền kề bên cạnh
Người Việt Nam thường có câu: Bán anh em xa, mua láng giềng gần. Hoặc “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Cẩn trọng trong thiết kế nội thất nhà liền kề không chỉ giúp gia chủ giữ hoà khí với hàng xóm mà còn tránh được việc phải lao tâm khổ tứ đi giải quyết các vụ tranh cãi, kiện tụng phát sinh.
Giữ hòa khí với hàng xóm liền kề bên cạnh
Theo luật định, hàng xóm có quyền yêu cầu gia chủ thực hiện các quy định sau:
-
Không được phép mở cửa đi, cửa sổ, cửa thông gió nếu tường nhà xây sát với ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuộc quyền sử dụng của người khác. Chỉ được phép mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2,0 m trở lên. (Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ 9411:2012)
-
Không bộ phận nào của ngôi nhà kể cả thiết bị, đường ống, phần ngầm dưới đất (móng, đường ống), được vượt quá ranh giới với lô đất bên cạnh.
-
Không được xả nước mưa, nước thải các loại (kể cả nước ngưng tụ của máy lạnh), khí bụi, khí thải sang nhà bên cạnh.
Tuy nhiên nếu có thông báo và thoả thuận trước với chủ đất giáp ranh thì việc mở cửa thông gió, lấy ánh sáng vẫn có thể thực hiện được. Các phương án sẽ dễ chấp nhận hơn nếu là cửa khung cố định (không mở ra ngoài) có độ lớn vừa phải, lắp đặt ở vị trí cao trên 2m và tránh nhìn thẳng sang các khu vực bên trong của công trình liền kề.
Ngoài ra phương án lắp đặt các máy điều hoà không khí cũng cần phải được tính toán cẩn thận để tránh gây tiếng ồn, phả hơi nóng hoặc xả nước ngưng tụ sang nhà hàng xóm.
Đề phòng trộm cướp trong các khu nhà liền kề
Kẻ trộm có thể đột nhập theo đường mái từ các nhà bên cạnh hoặc trèo qua ban công vào nhà và chúng sẽ càng có động lực để làm như vậy nếu nhìn thấy trong nhà có nhiều tài sản giá trị mà chủ nhà lại không có sự phòng bị trước.
Dù nguy cơ này khó thể được giải quyết triệt để bằng các giải pháp thiết kế nội thất nhà liền kề nhưng vật liệu và thiết kế của cửa ra vào, cửa sổ và vị trí các ổ khoá cũng có thể làm cho việc đột nhập trở nên khó khăn hơn.
Đề phòng trộm cướp trong các khu nhà liền kề
Bên cạnh đó, gia chủ có thể xem xét thêm các phương án lắp đặt camera an ninh ở vị trí quan sát tốt nhưng lại khó bị các đối tượng đột nhập cạy phá, vô hiệu. Hiện tại trên thị trường đã có khá nhiều phương án với độ tiện dụng và linh hoạt cao mà chi phí không quá lớn để gia chủ lựa chọn và áp dụng.
Lối thoát hiểm khi hoả hoạn - Không thể thiếu khi thiết kế nội thất nhà liền kề
Nhà ống rất nguy hiểm khi có hoả hoạn xảy ra, nhất là khi nguồn cháy nằm ở tầng 1, phía ngoài – thường là nơi kinh doanh hoặc để xe máy của gia chủ. Ở các tầng trên, nhiều nhà làm khung thép bao phủ toàn bộ mặt bên ngoài, vô tình khiến ngôi nhà trở thành “chuồng cọp” nhốt toàn bộ người trong nhà khi có sự cố xảy ra.
Lối thoát hiểm được thiết kế trong nhà
Để đảm bảo an toàn, cần tính đến các phương án thoát hiểm ra phía sau hoặc sang tầng thượng, ban công nhà bên cạnh. Nếu cần có thể bàn bạc với nhà hàng xóm trước, làm lỗ thoát hiểm trên khung sắt (có khoá) và trữ sẵn các phương tiện hỗ trợ như thang dây, thang gấp…
Thiết kế nội thất cho nhà liền kề thường khó khăn hơn so với các công trình dân dụng khác khi vừa phải đảm bảo yêu cầu về công năng và thẩm mỹ, vừa phải tính đến các yếu tố môi trường và an toàn, đặc biệt trong trường hợp người làm nội thất không phải là người thiết kế và thi công công trình từ đầu.
Mẫu thiết kế nội thất nhà liền kề đẹp - hiện đại
Để đảm bảo một không gian sống hài hoà, giúp bạn và người thân luôn đảm bảo sức khoẻ và trạng thái tinh thần tốt nhất, bạn nên cân nhắc phương án thuê tư vấn thiết kế từ những công ty thiết kế nội thất uy tín có kinh nghiệm thiết kế và thi công nội thất nhà liền kề.